|
Ảnh minh họa cảnh ngài Mục Kiền Liên mang bát cơm đưa mẹ sau khi biết mẹ qua đời bị đọa làm ngạ quỷ đói khát nhưng tiếc thay bà không thể ăn, cơm vừa đưa đến miệng đã hóa thành than vì lửa cháy. Minh họa nguồn: Internet. |
Không ngờ, ngài lại nhìn thấy người mẹ đang bị đày thành ngạ quỷ, đi lang thang khắp nơi, cực khổ, đói khát bởi đây là quả báo từ những việc ác trước đây mà bà đã thực hiện. Quá đau lòng, ngài Mục Kiền Liên liền dùng phép thần thông để biến ra cơm đưa tới tận địa ngục cho mẹ nhưng tiếc thay những thức ăn ấy đều bị hóa thành lửa.
Ngài Mục Kiền Liên vội vàng đến bạch Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để tìm cách cứu mẹ mình. Và Đức Phật đã chỉ dạy cho Mục Kiền Liên rằng: Vì mẹ ông tội gốc rất sâu cho nên dù ông có thần lực nhiệm màu, dù lòng hiếu thảo của ông thấu tận đến 9 tầng trời và cả khắp các cõi thì cũng không thể cứu được mẹ của ông. Muốn cứu được mạng của mẹ, ông phải nhờ vào thần lực của chư tăng mười phương. Và Đức Phật chỉ dạy rằng, ngày Rằm tháng Bảy chính là ngày Tự tứ, chính ngày đó Phật Đà hoan hỉ, khi đó chư Tăng mười phương đều dự lễ này, ông cần sắm sửa đủ đầy lễ vật, món ăn chay được đựng trong bình bát tinh sạch, kỹ lưỡng... để cúng dường Tam Bảo và chư tăng mười phương thì nhờ phước đức đó thì mẹ của ông sẽ được siêu thăng, bà con quyến thuộc của ông cũng nhờ ân đức này được hưởng thọ, mạnh khỏe, đến khi chết cũng không bị đọa vào 3 đường khổ (ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục), cha mẹ quá vãng 7 đời đều được sinh lên cõi trời, có tướng mạo đẹp đẽ, hưởng sự sung sướng và cha mẹ trong đời hiện tại còn sống thì sẽ hưởng cảnh thanh nhàn, tuổi thọ đến trăm năm. Phật cũng nói thêm, trước khi các thánh tăng dùng cơm chay thì tất thảy các vị ấy đều phải nhất tâm cùng cầu nguyện cho cha mẹ, cho toàn gia đình thí chủ, cầu chú nguyện cho 7 đời cha mẹ của tín chủ...Ngài Mục Kiền Liên đã dùng tấm lòng thành của mình và thực hiện việc cúng dường Tam bảo, thánh tăng khắp mười phương vào đúng ngày Rằm tháng Bảy, nhờ công đức đó, mẹ của ngài đã được giải thoát.
Đức Phật cũng chỉ dạy, chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ thì cũng có thể dùng cách này vào ngày Rằm tháng Bảy. Kể từ đó, lễ Vu Lan (hay còn gọi là Pháp Vu Lan Bồn) ra đời để những người con có dịp đền đáp công ơn của các đấng sinh thành hiện còn hoặc đã qua đời, cũng là để cứu vớt chúng sanh muôn loài. Bên cạnh đó, “Vu Lan Bồn” được chuyển tự thành từ “ullambhana” trong tiếng Phạn có nghĩa là “giải thoát” nhằm chỉ sự giải thoát cho những kẻ khổ sở tột cùng dưới địa ngục.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, lễ Vu Lan được du nhập vào Việt Nam từ năm 1072 và vua Lý Nhân Tông đã từng lập đàn cầu siêu cho cha mẹ.